Cảm, viêm mũi, viêm amidan, viêm họng cấp, viêm phế quản, hen suyễn… là những bệnh thường dễ gặp ở trẻ trong thời tiết mùa đông – xuân.
Theo như lời của một vị bác sĩ nhiều kinh nghiệm chia sẻ trên tờ Sức khỏe và Đời sống, để phòng tránh các bệnh trong mùa lạnh cho trẻ, các bậc cha mẹ cần chăm sóc trẻ chu đáo hơn, tránh nhiễm lạnh, giữ ấm và đặc biệt là gió lạnh khi chiều về.
“Cho trẻ mặc ấm, giữ không cho bị lạnh ngực, tránh nơi gió lùa. Không để chân trẻ bị ẩm ướt hoặc bị lạnh, nhất là khi đi ngủ. Tăng cường dinh dưỡng, nhất là cho trẻ ăn các thức ăn nóng. Cần vệ sinh ăn uống và răng miệng cho trẻ thường xuyên để tránh nhiễm trùng. Hơn nữa, thói quen ngoáy mũi và bú tay của trẻ cần được khắc phục triệt để. Theo dõi và thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ tránh để những biến chứng không đáng có xảy ra”, vị bác sĩ đưa ra lời khuyên.
“Cho trẻ uống nhiều nước, bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng, tránh thiếu nước” là những lời khuyên của một bác sĩ khác được tờ An ninh Thủ đô dẫn lại.
Cha mẹ cần để ý giữ ấm cơ thể bé cẩn thận đặc biệt là phần mũi, tai, cổ họng, bụng, tay và chân để bé luôn khỏe mạnh.
Để thời tiết lạnh mùa đông không còn “gây họa”, tờ Eva.vn đưa ra lời khuyên, các mẹ cần lưu ý giữ ấm đầy đủ cho bé.
Mẹ có thể giữ ấm mũi cho bé bằng việc đeo khẩu trang hoặc chùm khăn kín. Đồng thời, mẹ cũng có thể massage nhẹ nhàng hai cánh mũi để giúp tuần hoàn máu lưu thông, giúp mũi bé không bị lạnh.
Giữ ấm đầu cho trẻ cũng rất quan trọng vì đầu là một bộ phận quan trọng của cơ thể, đặc biệt là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu bị lạnh đầu, bé dễ bị đau đầu, đau răng, cảm cúm, chảy nước mũi... Khi thời tiết trở lạnh, mẹ cần đội mũ thường xuyên cho bé. Đặc biệt là khi đưa bé ra ngoài trời cần che kín đầu và cổ của bé.
Giữ ấm cổ họng bằng cách quàng khăn hoặc mặc áo cao cổ cho bé. Đồng thời không cho bé ăn uống các loại đồ ăn lạnh vào mùa đông. Giữ ấm cổ họng sẽ giúp trẻ tránh viêm họng, hen suyễn, các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Giữ ấm bụng cũng cần được ưu tiên vì khả năng điều hòa thân nhiệt của trẻ nhỏ kém hơn người bình thường. Lạnh phần bụng dễ rối loạn hệ tiêu hóa. Tình trạng đau bụng, đi ngoài, tiêu chảy sẽ khiến bé mệt mỏi, chậm lớn, còi cọc. Nếu tình trạng này kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.
Để bảo vệ phần bụng của bé không bị nhiễm lạnh mẹ nên cho bé mặc áo liền quần, hoặc áo trùm qua mông. Nếu bé hay chạy nhảy, nô đùa mẹ có thể mua sản phẩm quấn bụng để bảo vệ phần bụng cho bé. Khi bé ngủ cần kiểm tra thường xuyên đề phòng trường hợp bé hay đạp chăn.
Giữ ấm tay của bé để tránh mắc các bệnh về khớp, da tay khô ráp. Mẹ cần nhắc bé đeo găng tay khi đi ra ngoài trời. Bé cũng nên xoa hai bàn tay vào nhau để làm ấm tay, lưu thông máu.
Giữ ấm chân là một trong những điều không thể bỏ qua. Nếu bàn chân bị lạnh bé dễ bị cảm vì vậy mẹ cần đeo tất và đi dép trong nhà khi trời lạnh cho bé. Mẹ cũng có thể giúp bé ngâm chân bằng nước ấm từ 15 - 20 phút mỗi ngày.